Đã là “nhân” thì sẽ “bất thập toàn”, thật vậy, chúng ta không ai là hoàn hảo cả, chính vì thế khó tránh khỏi những lúc phạm phải sai lầm trên đoạn đường làm người. Nhưng cũng nhờ những sai lầm ấy, chúng ta mới có thể hoàn thiện bản thân hơn và trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, tiếc rằng, sai lầm thì cũng có sai lầm này sai lầm kia, sai lầm với hậu quả cho ta bài học với nhiều giá trị và cả các sai lầm để lại cho chúng ta cảm giác hối tiếc đến tột cùng mà mãi mãi không thể nào sửa chữa được.
Vậy nên, từ xa xưa, cổ nhân mà điển hình là các bậc trí giả đã gửi gắm cho thế hệ sau này những bài học xương máu đúc kết từ chính kinh nghiệm thương đau của họ về 4 sai lầm mà con người không nên phạm phải, kẻo sai một lần mà hối hận cả một đời.
Tài sản quý nhất của con người chính là sức khỏe, không có sức khỏe chúng ta không còn gì cả. Tình yêu, hy vọng, sự nghiệp, tiền tài,... đều chẳng là gì khi mỗi người đứng trước ngưỡng cửa đau ốm triền miên.
Thế mới thấy, phàm làm người, khi còn trẻ và khỏe hãy biết thương lấy bản thân mình, tuyệt đối không sống buông thả mà sa đà vào rượu chè và các thú vui gây hại. Kẻo một mai ngã xuống, tiếc thương đã quá muộn màng.
Chưa kể, ngoài thân bệnh thì tâm bệnh cũng rất quan trọng, tâm yên vui trong sạch, chúng ta mới sống khỏe mạnh được. Cho nên, đừng để những cám dỗ của cuộc đời khiến tâm mình nhơ nhúa, suốt ngày nghĩ kế bày mưu, toan tính thiệt hơn, sân si oán hận,... chúng chính là liều thuốc độc khiến con người mất hết phúc khí, sinh ra bệnh tật ốm đau.
Rượu và sắc dục chính là hai thứ vui thú nhất mà cũng cám dỗ nhất của đời người. Sa vào chúng mà không biết kiểm soát bản thân, thì đầu óc chúng ta sẽ mộng mị, mơ màng quên hết đạo, quên hết nhân tâm. Từ đó gây ra biết bao nhiêu là điều đau khổ cho người xung quanh, mà điển hình là việc nói lời cuồng ngông, không biết tôn ti trên dưới, không biết tương kính đối đãi.
Sau đó thì sao? Nếu có phúc phần thoát khỏi cảnh chấp mê bất ngộ, chúng ta liền hối hận, nhưng hối hận lúc này đây đâu còn tác dụng gì. Nỗi đau mà bản thân gây ra cho mọi người kề cận xung quanh trong lúc mê muội vì rượu chè tư dục là có thật, nó tồn tại trong tim họ và khiến họ nhìn mình bằng một con mắt khác, tệ hại và xấu xí vô cùng.
Lúc còn trẻ, trí tuệ của con người thường tinh thông, tinh thần tràn đầy nhiệt huyết nên dễ dàng tiếp thu được những điều mới, nhưng tiếc rằng thời điểm này cũng là lúc xung quanh có rất nhiều cám dỗ, rất nhiều các thú vui hoa mộng.
Cho nên, người không biết nhìn xa trông rộng sẽ chọn chơi thay vì chọn học. Đến cuối cùng, ôm cái đầu rỗng tuếch leo lên con đường sự nghiệp, thành công mãi mãi không bao giờ có được, chỉ biết tặc lưỡi mà thốt lên hai từ “giá như…”.
Chưa kể, những bài học ngoài trường đời, trong môi trường công sở cũng đầy rẫy và miễn phí, người không biết nắm bắt sẽ hối hận tột cùng khi có việc cần đến. Ví dụ như có vị sếp giỏi, học theo thì không học, suốt ngày cứ lo tính chuyện sân si, tranh đấu thị phi trong công ty, mãi sau này làm việc lớn lao hơn một chút, gặp khó khăn mới tự trách bản thân năm xưa không biết học hỏi người tài.
Cổ nhân có câu “miệng ăn núi lở”, tức là ám chỉ việc giàu có đến mức nào nhưng không biết làm việc, chỉ biết hưởng thụ thì sớm muộn cũng trở thành kẻ trắng tay. Quả thật, kiểu người như thế ngày nay tồn tại rất nhiều, họ kiêu hãnh tận hưởng khối tài sản khổng lồ mình đang có mãi cho đến khi sa cơ lỡ vận, mới ân hận cho rằng mình đã sai.
Tiếc là ân hận, tài sản cũng không quay về như trước. Cuộc đời không bao giờ biết được ngày mai sẽ ra sao, giàu hôm nay nghèo ngày mai mấy hồi, vậy mà không biết tích cóp, kiệm chi để duy trì tài lộc. Giàu có thì được tôn kính ngưỡng mộ, nghèo rồi thì bị đả kích, khinh bỉ, không muốn bị như thế, sao còn không tiết kiệm đi!?