Nhạc Vũ Mục đối xử ân nghĩa, thủy chung với cả hai người vợ: người vợ trước vì chiến loạn mà phải chia lìa, người vợ sau gắn bó với ông không sợ bần hàn, thật là phẩm cách của bậc hào kiệt. Nàng Trác Văn Quân cùng chồng là Tư Mã Tương Như bán rượu nơi phố chợ ồn ào, không màng phú quý, địa vị, tình yêu của họ đã trở thành giai thoại nghìn thu của biết bao tài tử giai nhân.
Vai trò khác nhau, sứ mệnh khác nhau, cảnh giới khác nhau thể hiện sự lựa chọn khác nhau của sinh mệnh. Con gái của Tần Mục Công cùng chàng thanh niên thổi tiêu sống ẩn cư ở núi Hoa Sơn, hai người tâm đầu ý hợp, thăng hoa trong nghệ thuật, về sau cả hai đều cưỡi rồng phượng mà trở về thiên giới.
Vợ chồng tráng sĩ thời cận đại Đàm Tự Đồng, nàng gảy đàn, chàng múa kiếm, người khẳng khái hy sinh vì chính nghĩa, người thủ tiết tới già. Vợ chồng đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni là Ma Ha Ca Diếp và thiện nữ Diệu Hiền cùng nhau cầu đạo, 14 năm tuân thủ giới luật, cuối cùng tu thành chính quả, lưu lại một câu chuyện truyền kỳ về sự tinh tấn tu hành.
Chuyện yêu đương và kết hôn của nam nữ là kết quả của duyên phận quá khứ và hiện tại, nó liên quan tới vận mệnh của dân tộc, gia đình, cha mẹ, con cái; nó có ý nghĩa to lớn và ảnh hưởng sâu sắc đối với đạo đức, sức khỏe, lễ nghĩa, luân lý, cảm thụ của con người. Cho nên từ xưa các bậc thánh hiền giảng rằng đạo vợ chồng là luân thường đạo lý quan trọng nơi thế gian con người.Ngược lại, Thương Trụ vương bị con cáo chín đuôi mê hoặc, phóng túng dục vọng mà hủy mất cả cơ nghiệp của tổ tiên, Ngô Vương Phù Sai bị mỹ sắc làm mê muội mà nước mất nhà tan, cha con Đổng Trác và Lã Bố tranh nhau nàng Điêu Thuyền,Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên dâm loạn giết người, tự hủy hoại mình mà để lại tiếng ác muôn đời. Những câu chuyện như vậy cũng lưu truyền nghìn thu, nhiều không kể xiết.
Có thể nói, “Đạo” là một trong những khái niệm trung tâm nhất của văn hóa truyền thống. “Đạo” cơ bản bao gồm ba ý nghĩa: một là nguồn gốc, là bản chất và chốn trở về cuối cùng của vạn vật trong vũ trụ; hai là định luật căn bản rộng khắp, vĩnh hằng không thay đổi, bao trùm lên hết thảy; ba là một loại cảnh giới tinh thần cao thâm. Đạo chung sống giữa vợ chồng cũng cần phải tuân theo ý nghĩa vĩnh hằng, không thay đổi.
Đời người có mừng, giận, yêu, ghét, đắng cay, ngọt bùi, nếu một người không có lý trí và đạo đức vững chắc làm nền tảng, thì sẽ rất khó để giữ được đạo nghĩa vợ chồng. Vì thế, “ân ái” vợ chồng phải được đặt trên nền tảng luân lý đạo đức thì mới trọn vẹn ý nghĩa và bền lâu.
Tuệ Tâm (T/h)